Chế độ tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

rong quan hệ hôn nhân và gia đình, chế độ tài sản là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn trong xã hội. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này, Luật Multi Law sẽ trả lời các câu hỏi liên quan về Chế độ tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân trong bài viết sau đây.

1: Tài sản của vợ chồng có mấy loại chế độ?

Căn cứ quy định tại Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng, theo đơ vợ chồng có quyền lựa chọn hai loại chế độ tài sản gồm:

+ Chế độ tài sản theo luật định.

+ Chế độ tài sản tự thỏa thuận.

Tuy nhiên, dù là chế độ tài sản nào thì pháp luật vẫn yêu cầu vợ chồng khi thỏa thuận phải tuân theo các nguyên tắc cốt lõi của Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể:

+ Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình.

+ Chế độ tài sản tự thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 Luật Hôn nhân và gia đình.

Ngoài ra, Luật này còn có các chế định về chế độ tài sản không phụ thuộc vào thỏa thuận của vợ chồng nhằm đảm bảo trật tự xã hội được quy định từ điều 28,29,30,31,21 Luật Hôn nhân và gia đình.

2: Tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng là như thế nào?

2.1 Tài sản chung:

Căn cứ quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình, theo đó Tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân được hiểu là:

+ Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật hôn nhân gia đình 2014

Cụ thể: trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Lưu ý: Khi có tranh chấp về tài sản mà không bên nào chứng minh được đó là tài sản riêng thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

2.2 Tài sản riêng:

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.

Ngoài ra, theo Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.

3: Người ngoại tình khi chia tài sản có bị bất lợi không?

Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC, quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:

“4. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia: […]

  1. d) “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.”

Thẩm phán sẽ dựa vào lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền và nghĩa vụ nhân thân, tài sản dẫn đến ly hôn.

Ví dụ, nếu người vợ chứng minh được người chồng cờ bạc hoặc ngoại tình, dẫn tới gia đình tan vỡ thì có thể được chia nhiều hơn 50% tổng giá trị tài sản. Các hành vi được coi là “lỗi” ở đây cần được chứng minh một cách rõ ràng, có những bằng chứng cụ thể được tòa chấp nhận. Quan điểm chung là lỗi càng nhiều thì tài sản được chia càng ít.

Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ tài sản vợ chồng vẫn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng thì Tòa án mới giải quyết theo quy định của Luật.

4: Trách nhiệm liên đới

Căn cứ Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, theo đó ta thấy sẽ có hai trường hợp để xác định được trách nhiệm liên đới của vợ chồng sau ly hôn như sau:

– Trường hợp 1: Giao dịch của vợ hoặc chồng vay dùng để sử dụng vào nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện giữa vợ chồng như: chi phí sửa chữa, xây dựng nhà ở, chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình, việc học hành của các con…; dù vợ/chồng không bàn bạc với nhau và người kia cũng không ký vào hợp đồng vay thì về nguyên tắc, bên vợ/chồng đó cũng vẫn phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ.

– Trường hợp 2: Giao dịch của vợ hoặc chồng dùng để sử dụng vào mục đích nhu cầu cá nhân của một bên vợ hoặc chồng như: đầu tư kinh doanh riêng, mua bán các vật dụng sử dụng cá nhân, chơi cờ bạc, số đề…; nếu bên vợ/chồng còn lại đưa ra những chứng cứ chứng minh việc bên kia đứng ra vay tiền không được đưa vào sử dụng chung thì không có nghĩa vụ liên đới trả nợ.