Ly hôn đơn phương dễ hay khó

Những năm gần đây, tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt là ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên. Các vụ án ly hôn đơn phương có đặc điểm phức tạp đòi hỏi người yêu cầu ly hôn phải nắm vững các quy định của pháp luật. Vậy thì Ly hôn đơn phương có khó không? Những vướng mắc về việc ly hôn đơn phương, thủ tục ly hôn.. sẽ được giải đáp qua bài viết sau

1: Các trường hợp khó khăn khi làm thủ tục ly hôn đơn phương

1.1.  Mất giấy chứng nhận kết hôn

Để có căn cứ cho Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương thì giấy chứng nhận kết hôn là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ xin ly hôn. Nếu bị mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn, bạn có thể nộp cho Tòa án bản sao kèm theo đơn giải trình về việc không còn bản chính. Trong trường hợp không còn bản sao nào, bạn có thể xin cấp bản sao trích lục kết hôn hoặc làm lại giấy chứng nhận kết hôn tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký kết hôn trước đây để nộp hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Thủ tục đăng ký lại kết hôn được quy định tại Điều 27 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015. Theo đó, hồ sơ đăng ký lại kết hôn bao gồm:

  • Tờ khai theo mẫu quy định;
  • Bản sao giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây. Nếu không có bản sao giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn.

Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đăng ký lại kết hôn đã đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện đăng ký lại kết hôn như trình tự quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Luật Hộ tịch.

Sau khi được cấp lại giấy chứng nhận kết hôn bạn có thể nộp giấy này lên Tòa án kèm các hồ sơ khác để thực hiện ly hôn đơn phương.

1.2.  Mất giấy khai sinh của con

Giấy khai sinh của con cũng là một trong những giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ xin ly hôn. Việc không có loại giấy tờ này sẽ khiến cho hồ sơ của bạn bị thiếu sót và Tòa án sẽ không thể đưa ra phán quyết về quyền nuôi con.

Khi mất giấy khai sinh của con, bạn có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi cấp giấy khai sinh bản gốc cho con để xin bản sao theo quy định tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ ly hôn đơn phương.

1.3.  Ly hôn đơn phương với người bỏ nhà đi

Trong trường hợp vợ hoặc chồng muốn ly hôn đơn phương với người chồng hoặc người vợ bỏ nhà đi đã lâu thì phải làm thế nào?

Khoản 1 và khoản 2 Điều 68 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc ly hôn với người biệt tích như sau:

“1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

  1. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.”

Như vậy, người muốn ly hôn đơn phương với người bỏ nhà đi đã lâu (trên 02 năm) phải làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng mình đã mất tích sau đó tiến hành thủ tục yêu cầu ly hôn đơn phương.

*** Ngoài những khó khăn kể trên, rất nhiều người ở trong cuộc, có hôn nhân không hạnh phúc đều cố cam chịu không dám ly hôn vì lý do: kinh tế. Có nhiều câu hỏi gửi đến luật sư là: “Ly hôn đơn phương mất bao nhiêu tiền?“, “Ly hôn đơn phương có tốn kém không?”, “Chi phí ly hôn đơn phương thế nào?”…Đây cũng được coi là một trở ngại tâm lý khiến quá trình chịu đựng kéo dài, đôi khi dẫn đến những kết cục tiêu cực, bia đát do quẫn trí hoặc bị bức bách quá lâu.

2: Cơ sở pháp lý khi ly hôn đơn phương

Ly hôn đơn phương được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

  1. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
  2. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Nhiều người trong cuộc nhận thấy sự ngột ngạt trong đời sống vợ chồng, nhận biết rõ ràng những dấu hiệu nên ly hôn. Tuy nhiên, mọi dấu hiệu phải dựa trên cơ sở pháp lý và tuân theo căn cứ của Tòa án.

Tòa án sẽ tiến hành giải quyết cho ly hôn khi quan hệ hôn nhân của hai bên đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Tình trạng hôn nhân của vợ chồng trầm trọng, đã đến thời kì không thể cứu vãn và không còn tìm được tiếng nói chung;

Đời sống chung không thể kéo dài do các khúc mắc và bất đồng dâng cao;

Mục đích của hôn nhân không đạt được.

3: Ly hôn đơn phương vắng mặt

Trong một vụ án ly hôn đơn phương, người nộp đơn xin ly hôn và được Tòa án thụ lý giải quyết gọi là nguyên đơn. Người bị yêu cầu ly hôn gọi là bị đơn. Khi mở phiên tòa, có thể xảy ra trường hợp nguyên đơn vắng mặt hoặc bị đơn vắng mặt. Tùy từng trường hợp vắng mặt là bên nào mà pháp luật có những quy định khác nhau. Tuy nhiên, sự vắng mặt của một trong hai bên tại phiên tòa đều khiến cho quá trình giải quyết ly hôn khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.