Án phí tranh chấp tài sản thừa kế

1: Về việc án phí.

Trong quan hệ dân sự, quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội (Điều 4 Luật dân sự). Như vậy, đối với tranh chấp các bên nên thỏa thuận để đi đến phương án giải quyết. Nếu các bên không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án phân giải. Mức án phí, lệ phí  có thể tham khảo thêm tại Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 về án phí, lệ phí.

2: Về việc chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì trường hợp tách thửa để chuyển nhượng một phần thửa đất thì thửa đất đó bắt buộc phải được đo đạc địa chính để xác định ranh giới phần thửa đất được chuyển nhượng.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 223 Bộ luật dân sự thì trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.

Như vậy, việc thông báo tới các đồng sở hữu phải được lập thành văn bản, có xác nhận của các đồng sở hữu. Sau thời hạn ba tháng đối với bất động sản, một tháng đối với động sản mà các đồng sở hữu có không mua lại thì chủ sở hữu chung có quyền bán phần quyền sở hữu của mình. Trước khi chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình phải xác định phần quyền sở hữu của mình (Điều 216 Bộ luật dân sự).

Nhà ở thuộc sở hữu chung mà các đồng sở hữu có tranh chấp có thể nhờ Tòa án giải quyết. Mức lệ phí sơ thẩm giải quyết vụ việc dân sự là 200.000 đồng. Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự anh có thể tham khảo bảng dưới đây (Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12):

Giá trị tài sản có tranh chấp

Mức án phí

a) từ 4.000.000 đồng trở xuống 200.000 đồng
b) Từ trên 4.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng 5% giá trị tài sản có tranh chấp
c) Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
d) Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng
đ) Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng
e) Từ trên 4.000.000.000 đồng 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.

 

Khi chuyển nhượng tài sản chung, các đồng sở hữu phải ký vào Hợp đồng chuyển nhượng. Nếu đồng sở hữu ở nước ngoài không thể về ký hợp đồng thì có thể ủy quyền cho đồng sở hữu khác hoặc một người thứ ba. Việc ủy quyền được thực hiện tại Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.

Nếu chủ sở hữu chung tặng cho phần quyền sở hữu của mình cho một chủ sở hữu chung khác thì điều kiện về thông báo tương tự như việc bán phần quyền sở hữu trong khối tài sản chung.

3: Về việc án phí khởi kiện ra tòa để chia tài sản chung.

Điều 7 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 về án phí, lệ phí quy định: “Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó.”